Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên

Thứ Ba, ngày 10 tháng 10 năm 2023 - 20:52 Đã xem: 129

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và PCTN, TC trong cán bộ, đảng viên là đặc biệt quan trọng.

 

Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

    Trong thời gian tới, để PCTN, TC trong cán bộ, đảng viên được hiệu quả, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau: 

    Một là, cần nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN, TC để có thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả về PCTN, TC. Đặc biệt,  hiện nay, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có quan điểm cho rằng, “nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển của đất nước”. Đây là biểu hiện của sự nhận thức nông cạn, thiếu suy nghĩ chín chắn. tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã từng khẳng định: “Đẩy mạnh PCTN, TC không làm “nản lòng”, “chùn bước”, sợ sai của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”, “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Quan điểm của người đứng đầu Đảng thể hiện kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, bản lĩnh, sự kiên định và tâm huyết của Đảng ta trên con đường dẹp tan tham nhũng, tiêu cực. trong thời gian tới, chúng ta cần xác định rõ cuộc đấu tranh PCTN, TC đòi hỏi “phải kiên trì, liên tục” với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. 

    Chúng ta kiên trì quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà hạt nhân là đồng chí tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng rằng: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, thực hiện đồng bộ các biện pháp “chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự” trong PCTN, TC. Làm mạnh mẽ hơn nữa, bài bản hơn nữa, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, không để “chững lại hay chùng xuống”, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Xác định sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

    Hai là, kiểm soát quyền lực là mấu chốt để PCTN, TC. Cần nhận thức rõ, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”; cốt lõi của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực. Do đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, nhất là kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ giữ các vị trí quan trọng, đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, dễ tham nhũng, tiêu cực… 

    Kết quả phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới một số cán bộ lãnh đạo cao cấp gần đây cho thấy, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đang ở mức đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Do vậy, việc “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCtN” là một “giải pháp trọng yếu để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực”. Muốn vậy, chúng ta phải gắn chế độ trách nhiệm với thực hiện quyền lực. Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó. Không lợi dụng, lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi sai trái vì vụ lợi. Không chỉ kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, cần khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho việc tố giác tham nhũng, tiêu cực (về thủ tục, cách thức…). Thậm chí, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc tiến hành xem xét cả đơn thư tố cáo nặc danh để phát hiện tham nhũng, tiêu cực cũng là một kênh quan trọng để cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh pháp luật chưa hoàn thiện, người tố cáo còn có thể bị đe dọa, chưa được bảo vệ đầy đủ. 

    Hiện nay, quy định về bảo vệ người phát hiện, người tố giác, đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực của chúng ta chưa thật sự tạo niềm tin vững chắc để khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, dẫn đến chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo, phản ánh đúng hành vi tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa khuyến khích được việc phát hiện tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. 

    Ba là, phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng  cán bộ, bảo đảm “chọn đúng người, giao đúng việc”. tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác cán bộ, nhất là việc “chạy chức, chạy quyền”. Chống tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, hình thành “nhóm lợi ích” trong việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Việc tuyển dụng công chức, viên chức cần hết sức chú trọng, vì đây là “bộ lọc” đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta trong việc tạo ra một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Việc tuyển dụng công chức, viên chức phải thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tế và vị trí việc làm, thực sự khách quan và công bằng, vừa “tuyển” vừa “chọn” để tìm đúng người, đúng việc, đúng nhu cầu, cán bộ phải vừa hồng, vừa chuyên. trong tuyển chọn phải tăng cường, bổ sung các nội dung sát hạch, các tiêu chí đánh giá làm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá được tổng thể quan điểm lập trường, động cơ và thái độ chính trị của công chức, viên chức khi thi tuyển. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài và cơ chế đánh giá cán bộ. 

    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những vi phạm trong việc xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức có biểu hiện, hành vi nhận hối lộ, tham nhũng, tiêu cực… Nâng cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị trong phối hợp, thẩm định nhân sự cán bộ. Thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện cán bộ là một quy trình, thủ tục và yêu cầu bắt buộc trước khi xem xét phê duyệt quy hoạch và quyết định bổ nhiệm cán bộ. Những năm gần đây nội dung này ngày càng được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế, biện pháp, trách nhiệm trong thẩm định của các cơ quan vẫn còn sơ hở, bất cập và có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; có những trường hợp vừa bổ nhiệm đã phải xem xét xử lý kỷ luật, xử lý hình sự hoặc cho thôi chức vụ do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. trong thời gian tới, một mặt sớm hoàn thiện cơ chế, biện pháp phối hợp giữa các cơ quan chức năng (tư pháp, thanh tra, kiểm tra, bảo vệ chính trị nội bộ, cán bộ) trong thẩm định, tham mưu cho cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ; mặt khác, phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

    Cần nhanh chóng thể chế hóa các quan điểm của Bộ Chính trị tại Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, tạo cơ chế, động lực mạnh mẽ để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ. 

    Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở các địa phương. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, tố cáo kéo dài nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, chức vụ cho cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ luật, hành chính, kinh tế; chú trọng “PCTN, TC ngay trong các cơ quan thực hiện chức năng chống tham nhũng, tiêu cực”. 

    Đặc biệt là, đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao tính tự giác cũng như tinh thần, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, cấp bách cần được sâu sát, chỉ đạo quyết liệt. Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt công tác PCTN, TC; thực hiện tốt việc bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc đấu tranh PCTN, khiếu nại, tố cáo để vu khống, mất đoàn kết nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /