Quyết tâm của đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên

Thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2023 - 20:42 Đã xem: 149

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là đặc biệt quan trọng

 

Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

     Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai, nhiều cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang cũng bị xử lý, kể cả đương chức hay đã về hưu. 

    Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm qua (2012-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện trung ương quản lý (04 ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên trung ương, nguyên ủy viên trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). tổng kết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy, có đến hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật, trong đó vi phạm chủ yếu là nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng lãnh đạo, cố ý làm trái. 

    Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng năm 2022, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Trong Quý I/2023, cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố 190 vụ án tham nhũng, tiêu cực, 563 bị can trong đó đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Cơ quan điều tra các cấp đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều vụ án, nhiều bị can. 

    Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Theo lời tổng Bí thư, “đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”. “Luật pháp bất vị thân; quân pháp bất vị thân” - bất kể ai vi phạm, dù ở vị trí nào thì trước pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. 

    Từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng ta đã có rất nhiều “động thái” tích cực, nỗ lực thay đổi “cục diện” mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ bổ sung phòng, chống tiêu cực bên cạnh phòng, chống tham nhũng; khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phát hiện, xử lý tham nhũng; Đảng ta còn tập trung kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là quản lý chặt chẽ hơn đối với cán bộ và công tác cán bộ. Theo đó, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm hơn. 

    Thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được không ít vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn. Không chỉ tập trung vào công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, Đảng ta còn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

    Những kết quả trên cho thấy, quyết tâm mạnh mẽ của Đảng ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ giúp gia tăng niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, mà còn “góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Cũng trong bối cảnh đó, ngày 02/02/2023, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng được ra mắt đã gây tiếng vang lớn trong xã hội và cộng đồng quốc tế, có ý nghĩa hết sức sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, khẳng định một lần nữa quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.  

    Mặc dù có nhiều nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Càng đi sâu chống tham nhũng, tiêu cực thì càng phát hiện ra nhiều vụ án tham nhũng lớn, rất nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu “không dám tham nhũng”. Nhiều cán bộ, đảng viên vẫn chưa biết sợ, vì lòng tham và thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng về đạo đức, bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn bị cám dỗ, mua chuộc, lao vào những lợi ích bất minh. Các cơ chế, chính sách, pháp luật của chúng ta cũng chưa hoàn thiện, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, dễ bị lợi dụng nên chúng ta chưa thể tạo ra “cái lồng” siết chặt để “không thể tham nhũng”. 

    Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu chưa có quyết tâm cao, chưa lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thờ ơ ngại đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; vẫn còn tư tưởng lo ngại đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm “chậm” sự phát triển. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ.  

    Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra ở nhiều nơi; việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực chưa hiệu quả; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa  phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác còn nhiều vướng mắc, nhưng chậm được khắc phục, sửa đổi. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa được đề cao. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Vẫn còn một số cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, cơ quan tư pháp tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Vẫn còn xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 17 | Trang: 1 trên tổng số 2 trang  
Xem tin theo ngày:   / /