Tại sao phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên ?

Thứ Sáu, ngày 29 tháng 9 năm 2023 - 14:28 Đã xem: 1179

Thực tiễn hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã làm ngơ, dung túng, bao che, tiếp tay, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu trong những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đang là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

    Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4 Hiến pháp năm 2013). Cương lĩnh chính trị năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Điều lệ Đảng đã xác định: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Đảng xác định cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là lực lượng quyết định việc tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị. 

    Tuy nhiên, cán bộ cũng là gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực, vì tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng  viên yếu kém, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, không trong sạch, vững mạnh dẫn đến tham nhũng, tiêu cực thì sẽ làm suy yếu Đảng, gây ảnh hưởng đến uy thế, thanh danh của Đảng, từ đó đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. 

    VI. Lênin đã chỉ rõ: Tham nhũng, tiêu cực bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là việc lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám” trên sức lao động của người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra: “tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”; “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. 

    Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã sớm nhận thức được nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng đều khẳng định tác hại vô cùng to lớn của tham nhũng, làm suy giảm nghiêm trọng nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra rào cản rất lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”; “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”; “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”; “làm tổn hại thanh danh của Đảng”; làm cho “bộ máy của Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn”, thậm chí còn “tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta” và đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. 

    Hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự. tổng kết công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Đại hội XIII đã chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp”. Do vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là  việc hết sức cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Đảng ta trong quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /