Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Một là, cần chú trọng công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng và chỉnh đốn Đảng; chấn chỉnh, đấu tranh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Hai là, xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên trong công việc và trách nhiệm giải trình trước cơ quan có trách nhiệm về những vấn đề liên quan theo quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao. Có cơ chế phù hợp khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, lãng phí đúng. Tạo điều kiện, cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao mức sống cho đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó chấp hành tốt "bốn không" (không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng) trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, dư luận xã hội phản ánh, tố cáo; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, thực hiện cải cách hành chính quyết liệt hơn, chú trọng rà soát, đơn giản hóa, công khai thủ tục hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác hàng năm, điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, mức độ hài lòng của người dân không cao, uy tín giảm sút. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo đúng quy định của Luật PCTN năm 2018.
Năm là, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy. Trong đó, đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực quản lý, cho thuê đất công, mua bán, chuyển nhượng tài sản công, quản lý trật tự xây dựng, xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài chính, công tác tổ chức, cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
Sáu là, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vụ việc phát sinh mới với nguyên tắc: "Tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó", "Không có vùng cấm", "Không có ngoại lệ". Kiên quyết xử lý nghiêm những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc xử lý hành vi tham nhũng. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là "tham nhũng vặt" trong giải quyết công việc.
Bảy là, các cơ quan chức năng tập trung nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm các hành vi phạm tội phải được phát hiện, xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng. Chú trọng công tác điều tra, mở rộng án, thu hồi tài sản, không để các đối tượng đối phó, tiêu hủy tài liệu, bỏ trốn, tẩu tán tài sản; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ, những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, công bố công khai các kết luận và kết quả kiểm tra, thanh tra có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức. Cụ thể hóa và tăng cường kiểm tra nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và trong các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, sai phạm về chuyên môn.