Tập trung dân chủ là gì ? Một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ?

Thứ Năm, ngày 7 tháng 9 năm 2023 - 16:05 Đã xem: 40568

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt lõi, được thực hiện thống nhất trong hoạt động của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Vậy thật sự tập trung dân chủ là gì? Tập trung dân chủ gồm những nguyên tắc nào?

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

1. Tập trung dân chủ là gì?

Tập trung dân chủ là một nguyên tắc của hoạt động Đảng, được kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố “tập trung” và “dân chủ” để tạo thành một thể thống nhất. Theo đó, dân chủ là điều kiện tiền đề của tập trung, còn tập trung là cơ sở cho dân chủ được thực hiện.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc căn bản nhất trong 5 nguyên tắc của hoạt động Đảng, đóng vai trò chi phối các nguyên tắc khác. Thực hiện tốt tập trung dân chủ sẽ giúp công cuộc xây dựng Đảng được trong sạch và vững mạnh hơn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

2. Một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ

Điều 9, quy định số 24-QĐ/TW ngày 30 tháng 7 năm 2021 về thi hành Điều lệ Đảng đã quy định “Một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” cụ thể:

Về quy chế làm việc của cấp uỷ và tổ chức đảng.

Căn cứ vào Điều lệ Đảng, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp uỷ và quy chế làm việc của cấp uỷ cấp trên, các cấp uỷ đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ phải xây dựng quy chế làm việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao. Tổ chức đảng có trách nhiệm báo cáo với tổ chức đảng cấp trên và thông báo cho tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp biết quy chế làm việc của tổ chức mình.

Khi xét thấy cần thiết, cấp uỷ cấp trên ban hành quy chế phối hợp hoạt động, công tác của các cấp uỷ hoặc tổ chức đảng cấp dưới có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Ban tổ chức cấp uỷ cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn cấp uỷ và tổ chức đảng cấp dưới xây dựng quy chế làm việc.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp uỷ từ cấp trên cơ sở và tương đương trở lên, cấp uỷ cấp cơ sở, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp uỷ viên các cấp và đảng viên phải tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Cuối nhiệm kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp uỷ viên các cấp, uỷ viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương và của cấp uỷ các cấp phải tiến hành tự phê bình và phê bình gắn với kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội. Việc kiểm điểm thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị và bảo đảm yêu cầu sau:

- Báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ phải lấy ý kiến đóng góp của cấp uỷ cấp dưới trực tiếp, của đảng đoàn, ban cán sự đảng và của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp, phải có ý kiến của cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

- Báo cáo kiểm điểm của đảng đoàn, ban cán sự đảng, uỷ ban kiểm tra và lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể phải lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan chuyên môn, đảng uỷ cơ quan và của cấp uỷ cùng cấp.

- Cấp uỷ cấp trên gợi ý cho cá nhân và tập thể cấp uỷ của cơ quan, tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp những nội dung cần làm rõ khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình:

+ Đối với cá nhân cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, uỷ viên đảng đoàn, ban cán sự đảng, uỷ viên uỷ ban kiểm tra phải đi sâu kiểm điểm về trách nhiệm chính trị, mức độ phấn đấu hoàn thành công việc được giao và những vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân; về giữ gìn phẩm chất cá nhân (tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu) và thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

+ Đối với tập thể cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng phải kiểm điểm về việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn, kết luận của Đảng, của cấp uỷ cấp trên; việc đề ra và kết quả tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn, kết luận của cấp mình; về xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; về xây dựng nội bộ đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; về quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai… và các lĩnh vực có liên quan; về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

+ Thường trực cấp uỷ cấp trên có trách nhiệm tổng hợp, phân tích, chọn lọc các vấn đề để đưa xuống các tổ chức đảng, cấp uỷ cấp dưới gợi ý cho tập thể và cá nhân tự phê bình và phê bình.

- Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, ban chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp, phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến xây dựng Đảng của nhân dân.

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Quy định "Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành" được cụ thể hoá như sau:

Số thành viên của đại hội đại biểu là tổng số đại biểu chính thức được triệu tập có đủ tư cách dự đại hội (trừ số cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội, đại biểu chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội không có đại biểu dự khuyết thay thế).

Số thành viên của đại hội đảng viên, hội nghị đảng viên là tổng số đảng viên chính thức trong đảng bộ, chi bộ được triệu tập (trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác và đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội, hội nghị đảng viên, tham gia bầu cử, biểu quyết thì vẫn tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam, đảng viên chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội có lý do chính đáng được cấp uỷ triệu tập đại hội đồng ý).

Số thành viên của hội nghị ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra là tổng số uỷ viên đương nhiệm của ban chấp hành đảng bộ, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, uỷ viên uỷ ban kiểm tra đương nhiệm (trừ số thành viên đã chuyển sinh hoạt đảng tạm thời không có mặt tại hội nghị, số thành viên đang bị đình chỉ sinh hoạt, bị khởi tố, truy tố, tạm giam).

Trường hợp kết nạp đảng viên, công nhận đảng viên chính thức, xoá tên đảng viên, khai trừ đảng viên thì phải được ít nhất hai phần ba số thành viên của tổ chức đảng nhất trí đề nghị và được cấp uỷ cấp trên có thẩm quyền quyết định với sự nhất trí của trên một nửa số thành viên.

Trường hợp giải tán tổ chức đảng thì phải được ít nhất hai phần ba số thành viên cấp uỷ cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp uỷ cấp trên cách một cấp quyết định với sự đồng ý của trên một nửa số thành viên.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 60 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /