Hiểu thế nào về Cần, Kiệm, Liêm, Chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh?

Thứ Tư, ngày 14 tháng 6 năm 2023 - 16:00 Đã xem: 4087

Cần, Kiệm, Liêm, Chính cần phải hiểu như thế nào cho đúng và đầy đủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Ảnh minh hoạ: Thông tấn xã Việt Nam

Trong tác phẩm Đời sống mới (tháng 3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, Trong tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính (tháng 6/1949), Người coi “tứ đức” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người. Theo Người:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”.

(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117)

Người chỉ rõ nội hàm của từng đức trong “tứ đức”, cụ thể là:

Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”, bởi “Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai” mà còn “có nghĩa rộng là mọi người đều phải cần, cả nước đều phải Cần”. Hiểu đúng về cần nghĩa là luôn chăm chỉ, cố gắng không phải một sớm một chiều mà thường xuyên và liên tục. Hiểu sâu sa hơn thì cần cũng có nghĩa là làm để nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc lâu dài, để đạt được mục đích đề ra.

Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và không phải là bủn xỉn. Trong đó, cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển”. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ, bởi của cải nếu hết, còn có thể làm thêm.

Liêm “là trong sạch, không tham lam” và “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là Bất Liêm”. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ cần, vì “có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham lam sẽ dẫn đến bất liêm, cho nên cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân.

Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. “Cần, Kiệm, Liêm là gốc của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”.

Để là Chính, mỗi người, đối với mình, phải chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh ngưòi khác phê bình mình, vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Đối với người “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học ngưi và giúp người tiến ti. Phải thực hành chữ Bác - Ái”. Đối với việc “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ thì 1 năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc. Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt” (Văn Thị Mai Thanh: “Di huấn Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”).

Xem tin theo ngày:   / /