Thông qua các hoạt động đã triển khai, Tuyên Quang đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Năm 2020, toàn tỉnh đã khởi tố 04 vụ án/07 bị can liên quan đến tham nhũng. Thực hiện 108 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi ngân sách 11,8 tỷ đồng. Kiểm tra 5 tổ chức đảng với 24 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng, với 16 đảng viên vi phạm.
Năm 2021, khởi tố 07 vụ án/17 bị can liên quan đến tham nhũng (14 bị can là đảng viên). Tiến hành 164 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi ngân sách 14,7 đồng. Kiểm tra 5 tổ chức đảng và kiểm tra 46 cuộc với 69 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 52 đảng viên.
Chỉ riêng năm 2022, toàn tỉnh đã khởi tố 14 vụ/37 bị can (29 bị can là đảng viên). Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát, các cơ quan thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi hơn 34 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm 88 tập thể và 53 cá nhân có sai phạm; chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, qua kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng, 170 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp quyết định thi hành kỷ luật 60 đảng viên, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Lực lượng chức năng khám xét nơi làm việc của bị can trong vụ án tham nhũng.
Để triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII (2020-2025) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh" và nhiều văn bản khác để chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên mọi lĩnh vực.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng được tăng cường hơn từ tháng 6/2022, khi Tỉnh ủy Tuyên Quang thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh gồm 15 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Tỉnh ủy được giao là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã kịp thời ban hành Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng chương trình công tác. Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức các phiên họp định kỳ theo Quy chế làm việc, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành: Đẩy mạnh công tác giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Ban Chỉ đạo gắn kết chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12), Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên lãnh đạo tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận.
|
Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh.
|
Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tuyên Quang cho biết, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là: Đã gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống"; tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp, kịp thời phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là qua giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng bảo đảm chặt chẽ; việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng tăng cao so với thời gian trước.
Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm qua nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ dư luận xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương ổn định; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, ngày càng công khai, minh bạch hơn, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh xác định, tăng cường kiểm tra, giám sát trong những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng, sai phạm kinh tế.
Đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.