Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Thứ Ba, ngày 17 tháng 1 năm 2023 - 16:10 Đã xem: 17699

Hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi không chỉ gây nên nguy hiểm cho xã hội, mà còn xâm phạm trực tiếp đến những hoạt động của cơ quan, tổ chức, đồng thời cũng xâm phạm tới những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà hành vi lạm quyền xảy ra. Vậy, hành vi lạm quyền là gì và pháp luật quy định như thế nào về hành vi này?

Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là gì?

Hiện nay, đang có rất nhiều trường hợp lạm quyền trong khi thi hành công vụ, với thái độ hạch sách, nhũng nhiễu và với mục đích vụ lợi hành vi lạm quyền đã ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều công dân. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có quyền hạn, có chức vụ vì lợi ích của mình hoặc động cơ cá nhân khác vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây nên thiệt hại cho lợi ích của xã hội, của nhà nước và những lợi ích hợp pháp khác của công dân. 

 

Đối với mặt khách quan của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là người phạm tội có hành vi lạm quyền. Lạm quyền ở đây có thể được hiểu là trong khi thi hành công vụ đã thực hiện và có những hành vi vượt quá quyền hạn của mình.

Hậu quả của việc này gây thiệt – hại cho lợi ích của Nhà nước, cho tổ chức xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Hậu quả của tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi lạm quyền chưa gây thiệt hại thì chưa cấu thành tội phạm này. Ngoài thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì còn có những hậu quả khác, tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng trong một số trường hợp thì nó lại trở thành yếu tố quyết định khung hình phạt như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Mặt chủ quan của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ được xác định khi người thực hiện hành vi lạm quyền trong lúc thi hành công vụ là do cố ý (trực tiếp cố ý), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật , thấy trước được hậu quả của hành vi lạm quyền nhưng vẫn có ý mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Và mục đích lạm quyền khi thi hành công vụ là vì vụ lợi.

Chủ thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là con người thực hiện hành vi phạm tội, theo quy định của Luật Hình sự thì chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Chủ thể của tội phạm này phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật, đó là người phạm tội có thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó thì chủ thể của tội này phải là những người có chức vụ và có quyền hạn. Khi lợi dụng chức vụ cũng như quyền hạn của mình để thi hành công vụ họ mới có khả năng có hành vi lạm quyền.

Khách thể của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Mặc dù tội phạm này gây thiệt hại cho lợi ích cho xã hội, cho nhà nước, cho quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng không vì thế mà khẳng định rằng khách thể của tội phạm này là những thiệt hại thực tế xảy ra cho nhà nước, cho xã hội và cho quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, mà những thiệt hại đó chỉ là hậu quả của hành vi phạm tội (dấu hiệu này thuộc mặt khách quan).

Quy định pháp luật về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Tại Điều 357 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, cụ thể như sau:

(i) Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

(ii) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

(iii) Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

(iv) Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

(v) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 60 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /