Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Nội chính Tỉnh uỷ dự Hội nghị tổng kết cụm thi đua số 1 các Ban Nội chính Tỉnh uỷ và phát biểu tham luận tại Hội nghị

Thứ Hai, ngày 12 tháng 12 năm 2022 - 16:20 Đã xem: 420

Ngày 09-12-2022, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022 cụm thi đua số 1 các Ban Nội chính Tỉnh ủy.

 

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp các Ban Nội chính tỉnh ủy cụm thi đua số 1 năm 2022

 

Tham dự Hội nghị, thay mặt Ban Nội chính Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đồng chí Ma Phúc Đào, Phó Trưởng ban Thường trực đã có bài phát biểu tham luận tại Hội nghị về công tác tham mưu thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị. Nội dung bài tham luận của Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực đã nêu bật tầm quan trọng của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị cũng như vai trò của Ban Nội chính Tỉnh uỷ trong việc tham mưu cho người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, nội dung bài phát biểu như sau:

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Kịp thời quán triệt, triển khai, ban hành văn bản cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua đó công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tiếp công dân ngày càng được tăng cường; các khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đã được xem xét, giải quyết theo quy định; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh "điểm nóng", góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trước thời điểm có Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị, công tác tiếp dân của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy chưa có sự phân định rõ với công tác tiếp dân của người đứng đầu chính quyền và các cơ quan dân cử (thông thường nếu người đứng đầu cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội địa phương thì việc tiếp dân thường được bố trí với vai trò đồng thời của các chức danh trên và chủ yếu thiên về công tác quản lý nhà nước), dẫn đến có lúc, có nơi việc tiếp nhận, phân loại những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân qua tiếp dân chưa cụ thể, việc chỉ đạo xử lý có việc chưa toàn diện, nhất là đối với những phản ánh liên quan đến những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên.

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân của người đứng đầu cấp ủy, đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang đã giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Quy định tạm thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp công dân của Thường trực Tỉnh ủy (dự thảo Quy định tạm thời đã được Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến thông qua). Tuy nhiên khi chuẩn bị ban hành văn bản thì nhận được Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất không ban hành Quy định tạm thời nữa mà xây dựng và ban hành Quy chế để thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị. Qua nắm tình hình, được biết Tuyên Quang là một trong những địa phương ban hành sớm nhất văn bản để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Quy định của Bộ Chính trị.

Tại Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, quy trình người đứng đầu cấp ủy tỉnh tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Trong đó tuân thủ nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và chỉ đạo xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đảm bảo dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định. Đồng thời cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy tỉnh thực hiện tiếp dân; về thời gian và địa điểm tiếp dân (nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đã quy định linh hoạt về thời gian và địa điểm tiếp dân phù hợp với điều kiện cụ thể, tình hình thực tế và tính chất của từng vụ việc). Những nội dung trong Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đúng theo tinh thần chỉ đạo tại Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn tại Văn bản số 4034-CV/BNCTW ngày 28/5/2019 của Ban Nội chính Trung ương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu các huyện ủy, thành ủy căn cứ Quy định của Bộ Chính trị và Quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy cấp mình và hướng dẫn cấp dưới thực hiện. Qua quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các Quy định, Quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đã được nâng lên. Hằng tháng người đứng đầu cấp ủy các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân; qua tiếp dân, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề nghị của công dân đảm bảo đúng quy định. Công tác tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy các cấp dần  đi vào nền nếp; người đứng đầu cấp ủy từ  tỉnh đến cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và chỉ đạo xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của công dân. Qua đó công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh "điểm nóng", góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Ma Phúc Đào, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh uỷ phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022 cụm thi đua số 1 các Ban Nội chính Tỉnh ủy

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2020, Ban Nội chính đã chủ trì, phối hợp với các ban đảng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và tổ chức 01 cuộc giám sát đối với các huyện ủy, thành ủy và một số đảng ủy cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị. Qua giám sát, đã chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình thực hiện. Đồng thời tổ chức Hội nghị tập huấn cho các đồng chí là Bí thư các huyện ủy, thành ủy, Bí thư các xã, phường, thị trấn và chuyên viên tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp từ huyện đến cơ sở trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; ban hành văn bản hướng dẫn các huyện ủy, thành ủy, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung liên quan trong Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị và Quy chế số 11-QC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để đảm bảo thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh.

 Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động, chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tiếp công dân tỉnh và các cơ quan liên quan trên cơ sở tiếp nhận, xử lý đơn, thư gửi đến Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và rà soát các vụ việc phát sinh, xây dựng kế hoạch tiếp dân và chuẩn bị các tài liệu, điều kiện để người đứng đầu cấp ủy tỉnh tiếp dân, đối thoại với dân; thông báo thời gian, địa điểm tiếp dân theo quy định. Trên cơ sở kết luận tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy tỉnh sau khi tiếp dân; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân; tổng hợp, tham mưu báo cáo về tình hình, kết quả người đứng đầu cấp ủy tỉnh tiếp dân và chỉ đạo xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.

Kết quả: Từ khi có Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị đến tháng 11 năm 2022 Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu, đề xuất với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tiếp công dân 30 kỳ với 52 vụ việc với 56 công dân (riêng 11 tháng năm 2022 đã tham mưu, đề xuất tiếp 08 kỳ với 15 vụ việc, với 15 công dân). Sau các kỳ tiếp dân, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã ban hành văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Năm 2021, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu đề xuất với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ủy làm việc với các cơ quan chức năng để chỉ đạo giải quyết dứt điểm 05 vụ việc khiếu nại của công dân đã quá thời hạn giải quyết, nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm dẫn đến việc công dân tiếp tục có đơn kéo dài, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Hằng năm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định; người đứng đầu cấp ủy cấp huyện đã tổ chức 116 cuộc tiếp dân với 145 công dân; người đứng đầu cấp ủy cấp xã đã tổ chức 3.950 cuộc tiếp dân với 3.765 công dân. Cơ bản các vụ việc đã được xem xét giải quyết đảm bảo đúng quy định, hợp lòng dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số vấn đề đặt ra qua thực tiễn công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy đó là: Do Quy định của Trung ương không cho phép ủy quyền tiếp dân, mặt khác người đứng đầu cấp ủy các địa phương thường kiêm nhiệm một số chức danh (Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội…) phải tham dự các kỳ họp của Trung ương và nhiều công việc của địa phương nên việc bố trí thời gian tiếp dân định kỳ đôi khi còn gặp khó khăn; một số vụ việc sau tiếp dân, người đứng đầu cấp ủy đã có ý kiến chỉ đạo nhưng các cơ quan chuyên môn chậm giải quyết nhât là những vụ việc liên quan đến đất đai do chính sách về đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu về quản lý đất đai có mặt còn hạn chế…Bên cạnh đó có tình trạng một số công dân sau khi được người đứng đầu cấp ủy tiếp, các cơ quan chức năng đang trong quá trình xem xét, giải quyết nhưng vẫn thường xuyên đến trụ sở Tỉnh ủy yêu cầu gặp người đứng đầu cấp ủy hoặc tiếp tục có nhiều đơn thư về cùng nội dung với những "đòi hỏi", "yêu sách" theo ý chủ quan cá nhân.

Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, Ban Nội chính Tỉnh ủy xác định trong thời gian tới cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo quy định; đồng thời tham mưu với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy chế số 11-QC/TU ngày 26/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc người đứng đầu cấp ủy tỉnh tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và nội quy, quy chế tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy đã ban hành. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của công dân.

2.  Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy sau tiếp dân; kiểm tra, rà soát, xem xét, giải quyết dứt điểm những đơn, thư thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng đơn, thư tồn đọng, kéo dài, vượt cấp. Tăng cường công tác phối hợp trong tham mưu, xử lý, giải quyết giữa các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. 

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị, Quy chế số 11-QC/TU ngày 26/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; việc thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh của tổ chức, cá nhân, qua đó xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ, công chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc công tác tiếp dân, để xảy ra tình trạng giải quyết các vụ việc chậm, kéo dài, không đúng quy định.

4. Kịp thời tổ chức việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về lãnh đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó xác định những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho giai đoạn tiếp theo để tổ chức thực hiện.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 29 | Trang: 1 trên tổng số 3 trang  
Xem tin theo ngày:   / /